Nếu không tìm hiểu thông tin trước khi mua, bạn sẽ rất dễ rơi vào “bẫy” của các siêu thị điện máy.
Năm nào cũng vậy cứ mỗi dịp tết đến xuân về là thị trường các mặt hàng tivi lại trở nên sôi động. Do dịp tết cả gia đình đoàn tụ bên nhau nên việc sắm sửa một chiếc tivi mới to hơn, đẹp hơn để cả nhà cùng nhau xem là điều mà gia đình nào cũng mong muốn. Tuy nhiên để chọn mua được một chiếc tivi phù hợp cả về giá tiền lẫn tính năng thì không phải là dễ. Nếu không tìm hiểu trước thông tin thì rất có thể bạn sẽ rơi vào những cái “bẫy” khuyến mại của các siêu thị điện máy. Dưới đây là một số chú ý cơ bản khi chọn mua một chiếc tivi trong mùa mua sắm cuối năm này.
Xả hàng các model cũ giá tưởng rẻ mà không rẻ
Cuối năm là dịp rất tốt để các siêu thị điện máy tung ra các chương trình khuyến mại để xả hàng các model đã cũ, lỗi thời “dọn chỗ” cho những model của năm mới. Ngoài điện thoại smartphone ra thì tivi cũng là một trong những mặt hàng được các siêu thị điện máy xả hàng khá nhiều với những thông tin khuyến mại khá là “lọt tai, lọt mắt’’ .
Khác với điện thoại smartphone, mặt hàng tivi chúng ta sẽ không có nhiều thông tin trên các trang công nghệ về chúng. Vì vậy nếu chỉ tin vào những lời quảng cáo của các siêu thị điện máy mà không tìm hiểu kỹ thông tin thì rất có thể bạn sẽ mua phải những model đã cũ không nhiều tính năng mới nhưng giá thành lại chẳng rẻ hơn những model mới là bao.
Model 43UH610T này của LG đã khá lỗi thời, hiện nó đang được một siêu thị điện máy quảng cáo bán với giá khuyến mại giảm 23% còn 9,9 triệu. Tuy nhiên bạn chỉ cần bỏ thêm khoảng hơn 1 triệu nữa là đã có thể sở hữu model mới với nhiều tính năng hơn đó là model 43UH650T.
Tần số quét của tivi và những điều mà các siêu thị điện máy đang “lừa dối” bạn
Để biết các siêu thị điện máy đang “lừa dối” chúng ta như thế nào trước tiên chúng ta cần tìm hiểu xem tần số quét là gì. Tần số quét là số lượng khung hình mà mắt của bạn nhận được từ thiết bị trình chiếu (Ti Vi, màn hình máy tính…) trong vòng một giây, đơn vị tính là Hz. Ví dụ một chiếc tivi có tần số quét là 100Hz có nghĩa là nó có thể hiển thị được 100 khung hình/giây.
Như vậy chiếc tivi có tần số quét càng cao thì số khung hình hiển thị được trong một giây càng nhiều. Đồng nghĩa với việc những hình ảnh hay chuyển động trên tivi sẽ mượt mà hơn. Dải tần số quét phổ biến của tivi hiện nay là từ 60Hz đến 120Hz, tần số cao nhất mà một chiếc tivi có độ phân giải Full HD có thể đạt được hiện nay là 240Hz. Với những chiếc tivi có độ phân 4k thì tần số quét tối đa hiện nay chỉ là 120hz.
Thay vì sử dụng tần số quét thật cho sản phẩm thì các nhà sản xuất tivi lại chọn cách sử dụng tần số ảo với những con số “ cao tít tận mây xanh” như 800, 960, 1440… những con số này cao hơn tần số quét thực tế đến cả chục lần. Mỗi hãng sản xuất tivi lại có một tên riêng cho công nghệ tần số quét ảo này của mình. VD như công nghệ được đề cập dưới đây, có tên là Motionflow. Vậy tần số quét ảo này là như thế nào? Nó có thực sự hiệu quả hay các nhà sản xuất chỉ nâng cao nó lên để “lòe’’ chúng ta?
Tần số quét ảo này thực chất chỉ là cách tăng khung hình hiển thị trong 1 giây lên. Hai phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay đó là backlight scanning (quét đèn nền) và BFI (chèn thêm khung hình đen)
VD: Một chiếc tivi sử dụng công nghệ Motionflow 800 tần số quét ảo là 800Hz còn tần số quét thật chỉ là 100Hz. Như vậy trong một giây sẽ có 800 khung hình được hiển thị, tuy nhiên thực tế chỉ có 100 khung hình là thật 700 khung hình còn lại sẽ là khung hình đen. Bạn có thể kiểm tra thực thế bằng cách dùng camera điện thoại hướng vào màn hình tivi. Thay vì hiển thih hình ảnh thông thường đôi lúc bạn sẽ thấy có những khung hình đen xuất hiện.
Phương pháp chèn thêm khung hình đen này sẽ đánh lừa xử lý của não bộ chúng ta và giúp cho hình ảnh chuyển động trên tivi có cảm giác rõ nét hơn chứ không hẳn các nhà sản xuất nâng cao những con số để “lòe” chúng ta.
Khi vào trang web chính thức của các nhà sản xuất tivi, bạn sẽ thấy họ chú thích rất rõ ràng về công nghệ tần số quét ảo cũng như ghi kèm thông tin về tần số quét thật của sản phẩm ở bên cạnh. Tuy nhiên các siêu thị điện máy họ lại không làm như vậy. Họ bỏ luôn thông tin về tần số quét thật của thiết bị đi. Trong các tấm thông tin nổi bật đặt cạnh những chiếc tivi thì chỉ ghi thông tin về tần số quét ảo. Điều này đánh vào tâm lý “cao hơn là tốt hơn” của người dùng. Chắc hẳn khi bạn đi xem các mẫu tivi ở những siêu thị điện máy, nếu có 2 mẫu ti vi có cùng kích thước tính năng cũng như cùng giá tiền đến từ 2 hãng khác nhau. Một chiếc ghi tần số quét là 800hz còn một chiếc ghi tần số quét 100hz thì bạn sẽ nghiêng sự lựa chọn về chiếc có tần số quét 800hz đúng không nào? Do đó trước khi chọn mua tivi bạn nên tìm hiểu các thông số cũng như ý nghĩa của chúng trên mạng internet trước để không bị nhầm lẫn bởi các thông tin mà siêu thị điện máy cung cấp. Bởi vì chưa chắc chiếc có tần số quét 800Hz đã tốt hơn chiếc có tần số quét 100hz kia.
Kích thước của tivi và độ phân giải quá lệch lạc?
Khác với màn hình máy tính chúng ta phải ngồi sát với màn vì vậy 1 màn hình 27 inch sử dụng phân giải 4K đã thấy khác biệt hoàn toàn với FullHD. Nhưng TV thì khác, khoảng cách phổ thông mà chúng ta vẫn sử dụng là khoảng 3 mét. Với khoảng cách này tỉ lệ giữa phân giải và kích cỡ màn hình phù hợp có chút thay đổi.
Khi chọn mua tivi thì kích thước và độ phân giải của tivi cũng là một điều khá quan trọng. Để chọn được những chiếc tivi phù hợp với gia đình thì điều đầu tiên bạn cần quan tâm đó là kích thước. Khi đã lựa chọn được kích thước phù hợp rồi chúng ta sẽ xét đến 2 yếu tố tiếp theo đó là giá thành và tính năng.
Bạn nên tránh chọn những chiếc có kích thước rất to nhưng độ phân giải lại thấp. Độ phân giải thấp trên một kích thước màn hình to sẽ khiến cho hình ảnh bị rỗ, không được sắc nét.
Tùy vào nhu cầu khách hàng mà mỗi hãng cung cấp những model có kích thước màn hình và độ phân giải khác nhau.Ví dụ như chiếc 65W850C này dành cho những người cần màn hình lớn và trình chiếu những nội dung có độ phân giải Full HD.
Khi dạo một vòng gian hàng tivi bạn sẽ còn gặp cả trường hợp có những chiếc ti vi kích thước chỉ 40 đến 43 inch nhưng lại có độ phân giải lên đến 2K hay thậm chí là 4K. Việc trang độ phân giải cao lên một màn hình có kích thước bé như vậy có phần khá lãng phí khi mà ở kích thước này chỉ cần độ phân giải Full HD là đã sắc nét nồi. Bạn nên cân nhắc kỹ khi chọn mua những chiếc tivi này vì nó có giá cao hơn những chiếc tivi có cùng kích cỡ với độ phân giải Full HD khá nhiều. Vì vậy chọn lựa độ phân giải 4K ở kích thước này có 1 chút lãng phí so với số tiền bỏ ra.